[Tạp chí ELLE MAN – 9/2016] Cách đây mười mấy năm, nhiều cánh cửa hấp dẫn chào đón, Trần Nhật Minh đã chọn trở về. Bây giờ thì, giữa rất nhiều cơ hội mà nếu đồng ý, chắc chắn Minh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng Minh đã trụ lại. Sự lựa chọn nào cũng có nhiều lý do, tuy nhiên với Minh, lý do ấy nghệ sĩ vô cùng.
Không có quá nhiều sự khác biệt giữa Minh của ngày mới trở về và Minh của hiện tại. Nhiệt huyết, đam mê và cực kỳ nghiêm khắc, Minh buộc người ta có bao nhiêu năng lượng cũng vét hết để cháy cùng. Những lúc ấy, Minh thấy mình được sống, nghe rõ từng nhịp đập con tim vẫn đang bồi hồi, xúc động. Chính thứ xúc cảm tuyệt đẹp đó đã thôi thúc Minh kiên định trên con đường này, và truyền cảm hứng cho rất nhiều cá nhân khác.
Chê thì dễ, làm mới khó!
Anh từng chia sẻ, thuở nhỏ chẳng mơ làm nhạc trưởng. Vậy thì, khoảnh khắc nào đã khiến anh lựa chọn và yêu con đường này?
Lúc quyết định sang Nga học, trong mắt tôi lúc ấy, nó như một chuyến phiêu lưu. Còn trẻ mà, lại được “thoát” ra khỏi nhà và đi nước ngoài nữa chứ, ai mà không thích. Tôi cứ thế mà đi thôi, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Tôi học một năm dự bị bên đấy rồi mới thi vào chính thức. Thật sự thì vẫn còn ham vui, cho đến khi vào học kỳ 1 năm thứ nhất, được chọn biểu diễn cho dàn hợp xướng, nho nhỏ thôi nhưng cảm giác đứng trên sân khấu chỉ huy thú vị vô cùng. Lúc đó tôi nghĩ: “Wow, mình sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể những gì được học ở đây”. Và, cứ thế, mỗi lần bước lên sân khấu là mỗi lần tâm hồn tôi ngất ngây xúc động.
Khoảnh khắc thứ hai là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam biểu diễn với vai trò nghệ sĩ trẻ trong chương trình Giai điệu mùa Thu 2007 do Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. HCM (HBSO) tổ chức. Thời điểm đó tôi đang hoàn tất chương trình thạc sĩ bên Nga. Tôi nhớ y nguyên cái cảm giác hân hoan lúc mình bước lên sân khấu, cũng từng đấy công việc mình đã làm như ở bên kia thôi nhưng do đi xa lâu quá, kiến thức về xã hội trong nước rất ít, và biểu diễn trong không khí mới nên tôi vừa háo hức, vừa bỡ ngỡ. Buổi diễn thành công, tôi không dám nói về mặt khán giả dù phản hồi tốt. Điều làm tôi xúc động nhất chính là phản hồi từ các anh chị, các bạn trong dàn hợp xướng – những người mà cho đến giờ vẫn cộng tác với tôi. Ngay lúc ấy tôi nghĩ, mình sẽ gắn bó với sân khấu đến lúc nào không còn sức, không còn mới hoặc mình làm tệ quá thì thôi. Và sân khấu đó chính là sân khấu HBSO. Cảm giác truyền cảm hứng cho một người nào đó rất đáng giá, huống chi cả một hợp xướng và sau này là cả một dàn nhạc. Chính điều này đã tiếp cho tôi sức mạnh vượt qua vô số khó khăn.
Bạn biết đấy, cuộc sống và xã hội bây giờ cho mình nhiều ngả rẽ và quyết định rẽ ngả nào là chuyện hàng ngày. Chính âm nhạc và đam mê giữ mình đi đúng hướng và thẳng đường. Nó vượt qua cả nhu cầu vật chất.
Nói như vậy nghĩa là anh đã và đang băn khoăn trước nhiều lối rẽ?
Nói thì có vẻ hơi lớn lao, nhưng thực sự hồi trẻ tôi chỉ nghĩ cho mình thôi. Sống ở đâu chẳng được. Hồi đi học ở bên Nga, tôi từng nghĩ cố gắng học và tìm việc để sống bên này. Rồi theo thầy sang châu Âu biểu diễn, cũng lợn cợn nghĩ, hay là dừng chân ở châu Âu? Năm 2006, tôi nhận được lời mời sang Mỹ, một lời hứa mỏng manh thôi, nhưng nếu tôi chọn thì cuộc sống hiện tại sẽ khác. Biết đâu tôi sẽ chỉ huy một dàn hợp xướng nho nhỏ nào đó, hoặc làm giáo viên, hoặc làm nail! Cuộc sống có thể an nhàn hơn nhưng chắc chắn là không thú vị. Được đứng trên sân khấu, được chỉ huy một buổi diễn thành công và trưởng thành lên từng ngày là niềm vui rất lớn với tôi.
Tôi tin đến một lúc nào đó, người ta sẽ bắt đầu nghĩ đến việc không chỉ sống cho riêng mình nữa. Lý do đơn giản tôi chọn trở về là vì muốn chăm sóc bố mẹ. Nhà tôi neo người, chỉ có bố mẹ và chị gái mà thời gian gia đình sống trọn vẹn bên nhau rất ít. Mẹ tôi là phóng viên quốc tế, thường xuyên đi nước ngoài, cứ 8 tháng ngoài nước, 4 tháng trong nước, năm nào cũng vậy. Lúc mẹ về hẳn bên này thì đến lượt tôi đi. Ngày tôi quyết định về lại Việt Nam, chỉ nghĩ mình đi xa lâu quá rồi nên thử thay đổi công tác, môi trường làm việc xem sao. Dần dần nó thay đổi cuộc sống của mình. Ngả rẽ thì lúc trước có nhiều nhưng bây giờ mỗi quyết định là cho cả gia đình và cho cả thế hệ tương lai, những người được tôi truyền cảm hứng, một kế hoạch lớn hơn.
Nhiều người sống ở nước ngoài, quen với lối sống và cách làm việc bên đấy, trở về Việt Nam thường bị sốc. Bản thân anh có lúc nào rơi vào trạng thái: “Hay là, bỏ hết để sang bên kia bắt đầu lại”?
Trở ngại lớn nhất của tôi là lúc bắt đầu làm quen với thước đo ở đây và môi trường mình học. Cái mình học bên kia thì hay đấy nhưng liệu áp dụng, khán thính giả Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào, liệu có phù hợp không? Nó khiến tôi hơi thiếu tự tin và gây ra một số khó khăn. Bây giờ chuyện đó tôi vẫn cân nhắc nhưng chắc chắn là đỡ hơn trước rất nhiều.
Còn việc có quay lại hay không thì câu trả lời là không! Vì tôi khá hiểu đời sống bên kia. Ở đâu cũng có khó khăn, cũng có những việc đẹp và chưa đẹp, cũng có người này người kia. Nghề nào thì tính cạnh tranh cũng rất cao, nhưng với âm nhạc và nghệ thuật, nó khiến người ta phần nào mất đi tính nghệ sĩ. May mắn là lĩnh vực tôi đang hoạt động ở Việt Nam sự cạnh tranh không có nhiều. Đương nhiên, như vậy cũng không tốt nhưng khốc liệt quá thì tôi sợ! Không phải sợ cạnh tranh mà là sợ mất đi tính nghệ sĩ. Mà như vậy mình chẳng thể bay bổng để sáng tạo nữa.
Tình trạng hay so sánh người Việt với người nước ngoài đang rất phổ biến, anh có thường xuyên chứng kiến?
Bản thân tôi hàng ngày vẫn đối diện với những cuộc tranh luận này cùng bạn bè, người Việt có mà người nước ngoài cũng có. Ngày trước, tôi cũng khá cực đoan và tự ti. Nhưng rồi tôi nghĩ: “Okay, nếu anh giỏi như thế anh về làm thử đi!”. Tôi bắt đầu có cái nhìn bao dung hơn về thị trường. Đương nhiên là mình không dễ dãi. Nhưng tôi quan niệm, mình cứ làm hết sức có thể. Chê thì dễ. Làm mới khó! Ai chê thì mình… nghe thôi!
Không riêng gì âm nhạc mà trong bức tranh toàn cảnh nói chung, tôi nghĩ nếu ta chưa thể tác động được vào thì trước nhất mình cứ ý thức tốt, cứ tử tế đã. Một người ý thức tốt thì sẽ kéo theo những người có cùng năng lượng tích cực để nhân điều tốt đẹp lên; chứ cứ chăm chăm đổ lỗi rồi lên tiếng trách móc thì dễ quá mà cũng chẳng thể giải quyết được gì, phải thế không?
Muốn đẹp, trước hết phải đúng
Một trong những ấp ủ lớn nhất của anh là mang nhạc giao hưởng đến với người trẻ. Hành trình đó so với dự định ban đầu có như anh kỳ vọng?
Thực tình hình dung của tôi về việc phổ biến nhạc giao hưởng lúc bắt đầu thì kỳ vọng hơn những gì đang diễn ra. Một phần cũng là do tôi đang trong giai đoạn lựa chọn chuyên môn. Tôi xuất phát từ chỉ huy hợp xướng và được lãnh đạo Nhà hát tạo điều kiện làm việc trực tiếp với dàn nhạc. Sau thời gian học tập, tôi được giao chỉ huy dàn nhạc. Đó là chỉ nói trong lĩnh vực cổ điển. Ngoài ra, trong nhạc trẻ, tôi làm việc với các anh Việt Anh, Anh Khoa, Hoài Sa, được mọi người tạo điều kiện bước vào nhạc Pop, làm việc giao thoa giữa Pop và cổ điển bài bản hơn. Tôi muốn thành lập một dàn nhạc thực sự, đánh bài bản đàng hoàng, gọi là Pop Orchestra, thay vì đánh vu vơ như trước đây.
Tại Hà Nội có cách tiếp cận nhạc cổ điển là mang âm nhạc ra đường phố, anh có dự định làm tương tự ở Sài Gòn?
Dự án nhạc giao hưởng cho sinh viên của HBSO hiện đã bước qua năm thứ sáu, hình thức dù không đình đám, nổi trội nhưng tôi tin là vẫn tạo được sức ảnh hưởng nhất định. Tôi muốn làm với tinh thần rèn luyện một phong cách thay vì bạn và người yêu dắt tay nhau đi dạo bờ hồ, thấy nhạc hay thì dừng lại nghe, không thích nữa thì đi tiếp. Tôi muốn từ lúc các bạn trẻ nhận vé mời, đến xem và kết thúc là một quá trình chuẩn bị, từ phục trang cho đến tâm thế. Nó không sang trọng như người trưởng thành đâu nhưng tinh tươm và háo hức.
Tôi rất thích ngắm khuôn mặt thính giả trẻ trong những chương trình đó. Tôi thường nhìn xuống xem các bạn từ lần đầu tiên đến bây giờ khác nhau thế nào. Tôi nghĩ, đem nhạc giao hưởng ra đường cũng hay và dễ gây tò mò, chú ý nhưng điều tôi hướng đến là giáo dục tinh thần và tạo một lớp thính giả trẻ được định hình. Họ yêu thích rồi thì bản thân họ, con cái sẽ duy trì tình yêu ấy. Phải kiên nhẫn, xây từ từ (thay vì so sánh với phương Tây) thì mới tạo thành một lớp thưởng thức quen thuộc. Cũng giống như mình cấy một đợt lúa mới trước nhiều hình thức giải trí hấp dẫn (kể cả những thứ lạ vô cùng mà chính mình cũng không hiểu vì sao họ thích) vậy.
Hướng đến cái đẹp và yếu tố cốt lõi bên trong là triết lý sống của anh thì phải?
Đúng là như vậy! Nghệ thuật thì phạm trù đúng và đẹp khá trừu tượng. Nhưng, cứ phải đúng cách trước đã. Đúng rồi mới đẹp. Nó cũng giống như mẹ bạn nấu món ăn rất ngon và bạn muốn bạn bè mình được thưởng thức thì phải dụng công nấu nướng và mời họ đến để chia sẻ, thưởng thức vậy.
Cũng đã gần mười năm, từ ngày anh về lại Việt Nam. Nhìn lại, anh nghĩ gì về sự thay đổi?
Đó là điều không thể tránh khỏi. Nếu bảo thay đổi là tiến hóa thì có vẻ to tát nhưng sau chừng ấy năm mà Trần Nhật Minh vẫn nói tiếng Nga tốt hơn tiếng Việt thì không được rồi! (cười) Tôi nghĩ, làm gì cũng phải hết mình và bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Và một trong những quyết định đúng đắn của tôi là trở về.
Cuộc trò chuyện với ELLE MAN hôm ấy, bên cạnh Thanh Bùi còn có biên đạo Alexder Tú, nhà sản xuất - DJ Chi Thanh, biên đạo Tony Trần và Charles...
Thất bại lớn nhất của anh đến thời điểm này là gì?
Nhiều quá, không biết là nên kể từ đâu. (cười lớn) Có lẽ là…(suy nghĩ rất lâu) tôi không có kế hoạch rõ ràng trong cuộc sống. Ví dụ như là, đến thời điểm này thì cần phải làm cái này, cái kia. Phải đặt mục tiêu, kế hoạch ba năm, năm năm nhưng tôi không giỏi về việc sắp xếp cuộc sống. Biết làm sao được, cái tính của mình nó vậy! Bài học nào cũng có, nó là kinh nghiệm và mình thì không thể sống lại lần thứ hai được.
Dự án đang ấp ủ khiến anh cảm thấy phấn khích?
Tháng Ba năm nay tôi sang Pháp làm trợ lý cho một chương trình Opera. Thành phố đó nhỏ lắm, người dân không có nhà hát, muốn đi xem thì họ phải lái xe ra Lyon. Vậy là địa phương quyết định một năm tổ chức chương trình ngoài trời một lần, kéo dài bốn đêm. Tôi rất xúc động và thấy nó ý nghĩa quá. Ấp ủ của tôi là một, hai năm nữa, mình cũng sẽ mang một chương trình đầu tư bài bản, chất lượng như vậy ra ngoài trời. Tôi thấy
họ làm được và tôi nghĩ mình sẽ làm được.
Xin cảm ơn anh!
—-
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Có thể bạn quan tâm: Thời trang người mập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét